Well-being Day: Hành động vì sức khỏe cộng đồng
Chú trọng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của cộng đồng, Hệ thống Trường Sydney thường xuyên tổ chức các ngày Well-being Day dành cho phụ huynh, học sinh và giáo viên với nhiều hoạt động khác nhau.
SISS là một trong số ít trường tại Việt Nam nói chung xây dựng môi trường học tập theo mô hình giáo dục Well-being. Bên cạnh các ngày Spirit Day, SISS cũng đồng thời lồng ghép việc tổ chức các ngày Well-being Day nhằm giúp các thành viên trong cộng đồng nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, nuôi dưỡng tư duy tích cực và trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Cuộc sống càng hiện đại càng dễ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Một trong những đối tượng dễ tổn thương nhất là học sinh, bởi nhận thức về thế giới xung quanh của các em vẫn còn hạn hẹp. Hơn nữa, các em không chỉ gặp áp lực trong việc học mà còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác như áp lực đồng trang lứa, áp lực từ gia đình và cả áp lực xã hội.
Thông qua các ngày Well-being Day, Nhà trường sẽ tổ chức các buổi chuyên đề hoặc các hoạt động hưởng ứng vì sức khỏe tinh thần của cộng đồng dành cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Trong Quý 1 năm học 2023 – 2024, Nhà trường đã có một buổi chia sẻ chuyên đề với cộng đồng phụ huynh và Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Tú Anh về chủ đề “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ”. Tại đây, phụ huynh đã có dịp tìm hiểu về phương pháp kỷ luật tích cực và hiệu quả của nó trong việc giáo dục con trẻ. Thay vì sử dụng những biện pháp đòn roi và răn đe khiến con sợ hãi, ba mẹ có thể thiết lập các nguyên tắc trong gia đình và khuyến khích, tạo động lực cho con. Ba mẹ cần tạo cảm giác an toàn để mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, con sẵn sàng quay về và chia sẻ với ba mẹ như những người bạn.
Các em học sinh cũng tích cực không kém khi tham gia các buổi chuyên đề với các chuyên gia tâm lý hay các buổi học với giáo viên tâm lý của trường. Các em không chỉ tìm hiểu về sức khỏe tinh thần, cảm xúc của con người mà còn được trang bị các kỹ năng để bảo vệ bản thân trong môi trường học đường và bên ngoài xã hội. Bên cạnh đó, làm thế nào để duy trì các mối quan hệ và cách phát triển các kỹ năng xã hội cũng là điều mà các em được tìm hiểu trong các ngày Well-being Day.
Đối với đội ngũ giáo viên, bên cạnh việc tham gia các hoạt động tập huấn để nâng cao chuyên môn, các thầy cô cũng chủ động tìm hiểu và trau dồi kiến thức, kỹ năng để nắm bắt tâm lý của các em học sinh. Điển hình như trong tháng 1, các thầy cô đã tham gia buổi chuyên đề “Áp dụng kỷ luật tích cực hiệu quả trong tương tác với học sinh” cùng với Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tú Anh. Tham gia buổi workshop, các thầy cô đã có dịp tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “giáo dục kỷ luật tích cực” và tầm quan trọng của nó trong việc dìu dắt và nuôi dưỡng học sinh. Theo đó, đối với phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực, các biện pháp trừng phạt hay những lời nói có thể gây tổn thương tinh thần cho học sinh là những điều cần bị nghiêm cấm.
Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các ngày Well-being Day với nhiều chủ đề khác nhau để thông qua đó, từng bước lan tỏa những giá trị tích cực của một cộng đồng học thuật hạnh phúc.