Yếu tố định vị một công dân thời đại số

10 Tháng Tư, 2023

“Digital citizenship” – thế hệ công dân thời đại số đã không còn là một khái niệm mới lạ mà đang dần trở thành xu hướng giáo dục trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Hệ thống Trường Sydney (SISS) tự hào là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo học sinh theo xu hướng giáo dục này.

Digital citizen là ai?

Theo định nghĩa của Karen Mossberger, tác giả cuốn “Digital Citizenship: The Internet, Society, and Participation”, thế hệ công dân số là những người sử dụng công nghệ một cách an toàn, tích cực và có trách nhiệm. Không chỉ trong nền tảng Internet, công dân số còn là những thành viên có những đóng góp tích cực, được tôn trọng và biết cách thể hiện sự tôn trọng trong cả đời sống hàng ngày.

Phạm vi hoạt động của những công dân số không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ mà còn mở rộng sang tất cả các lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, văn hóa,… Nhóm người này biết cách ứng dụng công nghệ vào tất cả những hoạt động của đời sống để nâng cao tính hiệu quả của công việc. Cũng từ khái niệm nền tảng digitial citizenship, thế hệ trẻ ngày nay còn được khuyến khích trở thành những “công dân số toàn cầu – global digital citizen” khi các em có thể sử dụng công nghệ để giao tiếp, học tập và làm việc ở bất kỳ môi trường văn hóa nào.

Giáo dục về công dân số

Có thể nói, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một công dân số, nhưng một cộng đồng công dân số có trách nhiệm sẽ phải đòi hỏi sự can thiệp của giáo dục. Với sự gia tăng về số lượng người dùng công nghệ, giáo dục về công dân số nghiễm nhiên trở thành một mục tiêu tối quan trọng ở bất kỳ nền văn hóa nào.

Giáo dục về kiến thức, hành vi, thái độ và nhân quyền trực tuyến là những hoạt động nên được triển khai ngay khi học sinh còn nhỏ. Lý do là vì ở độ tuổi này, “hệ miễn dịch” của các em cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt để không bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của không gian mạng. Lý do thứ hai là vì kỹ năng kỹ thuật số của các em vẫn cần được rèn giũa và nâng cấp để không bị thụt lùi phía sau.

Các yếu tố định hình nên chân dung một công dân số

Giáo dục về công dân số cần đảm bảo phổ cập cho học sinh những kỹ năng và kiến thức sau:

1. Kỹ năng kỹ thuật số

Yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất là kỹ năng kỹ thuật số. Trên thực tế, bất kỳ ai sử dụng công nghệ hiện đại đều có thể được coi là công dân kỹ thuật số. Tuy nhiên, một công dân số tốt sẽ khác với đại đa số nhờ vào cách suy nghĩ sáng tạo và nền tảng giáo dục vững vàng về công nghệ.

Kỹ năng kỹ thuật số được định nghĩa là khả năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng, chia sẻ và tạo ra nội dung bằng cách sử dụng công nghệ thông tin và Internet. Một công dân kỹ thuật số sẽ phải biết cách ứng dụng kỹ năng của mình vào tất cả các lĩnh vực để nâng cấp tiến độ, mức độ hiệu quả và gặt hái thành quả nhanh chóng.

2. Sự đồng cảm

Tại sao sự đồng cảm lại là yếu tố định hình nên chân dung của một công dân số? Sống trong thời đại nơi sự giao tiếp bằng các nền tảng trực tuyến sẽ khiến chúng ta gặp hạn chế trong việc kết nối, thấu hiểu đối phương và truyền tải cảm xúc. Đôi khi, chúng ta sử dụng suy nghĩ, cảm xúc, thành kiến của mình để đánh giá một sự vật, sự việc một cách chớp nhoáng và dễ “hùa theo” đám đông trên cộng đồng mạng.

Đồng cảm kỹ thuật số thể hiện mối quan hệ giữa đổi mới công nghệ và sự kết nối cảm xúc của công dân kỹ thuật số. Học được kỹ năng đồng cảm, thấu cảm sẽ giúp chúng ta quản lý tốt việc bày tỏ cảm xúc, thái độ, phản ứng của mình đối với người khác trong môi trường kỹ thuật số.

3. Sự bình đẳng, cân bằng

Tất cả các công dân trong hiện tại và tương lai đều có quyền tiếp cận với các sản phẩm, phần mềm, ứng dụng của công nghệ – đó là sự bình đẳng khi nói về công nghệ kỹ thuật số. Không ai được tước đi quyền lợi đó và người lớn phải có nhiệm vụ là tạo điều kiện để con trẻ được học cách sử dụng công nghệ một cách lành mạnh.

Sự cân bằng cũng là một yếu tố không thể thiếu. Công dân số phải cân nhắc lượng thời gian họ dành để tương tác với công nghệ, cách quản lý cảm xúc và các biện pháp giữ an toàn về thể chất và tinh thần.

4. Kỹ năng bảo vệ và bảo mật

Cùng với việc kiểm soát dữ liệu của chính mình, chúng ta cũng phải cảnh giác với các mối đe dọa an ninh mạng trong không gian kỹ thuật số. Một phần của công dân kỹ thuật số là hiểu cách mọi người có thể sử dụng công nghệ để khai thác lỗ hổng, đánh cắp dữ liệu và đe dọa thiết bị, nhờ đó, chúng ta mới biết cách nâng cao khả năng bảo mật của mình.

Ngoài ra, sự an toàn của chúng ta cũng vô cùng quan trọng khi sự phát triển của công nghệ cũng đồng thời kéo theo sự “sinh sôi nảy nở” của các mối hiểm nguy. Biết cách bảo vệ sự an toàn của bản thân và những người xung quanh cũng là một kỹ năng mà thế hệ công dân số phải sớm trau dồi.

Hệ thống Trường Sydney (SISS) tự hào với định hướng giáo dục đổi mới, sáng tạo gắn liền với công nghệ kỹ thuật số. Học sinh SISS được đào tạo, hướng dẫn để trở thành những thế hệ công dân số có đầy đủ năng lực, kỹ năng và sức mạnh nội tại để ứng phó với những đổi mới và thách thức của tương lai.

Trở lại Góc học tập
right arrow time clock pin e